Miễn phí vận chuyển với đơn hàng trên 600.000 VNĐ

CÁCH GIÚP TRẺ HẾT BIẾNG ĂN

CÁCH GIÚP TRẺ HẾT BIẾNG ĂN

Biếng ăn, chán ăn, lười ăn… là “bệnh” thường gặp ở trẻ em mọi lứa tuổi. Biếng ăn có nhiều biểu hiện khác nhau: trẻ ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt, không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn, chạy trốn khi tới bữa ăn, nghe thấy lanh canh của thìa, bát, hay nhìn thấy thức ăn đó có phản ứng buồn nôn hoặc bố, mẹ cho ăn không chịu ăn nhưng người khác cho ăn lại ăn... Tình trạng này khiến mỗi bữa ăn trở thành một “cuộc chiến” căng thẳng giữa trẻ và ba mẹ đồng thời cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vậy tại sao trẻ lại biếng ăn và làm cách nào để trẻ có thể ăn ngon mà không cần nhắc nhở. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Hanin nhé!

NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ BIẾNG ĂN

Ăn dặm quá sớm với khẩu phần thiếu cân đối

Hiện nay vì công việc và cuộc sống bận rộn, rất nhiều bậc phụ huynh có xu hướng cho trẻ ăn bổ sung sớm. Việc này rất không tốt nếu như khẩu phần ăn không được tính toán kỹ lưỡng, thiếu cân đối. Trẻ ăn thiên lệch hẳn về một nhóm thực phẩm hoặc không được bổ sung 4 nhóm thực phẩm chính là tinh bột, protein, chất béo, khoáng chất thì dễ dẫn đến trẻ bị thiếu dinh dưỡng khiến trẻ kém phát triển.

Chẳng hạn, trẻ bị thiếu vitamin nhóm B (gồm B1, B2, B6 và B12), làm chậm quá trình chuyển hóa thức ăn; thiếu kẽm và selen khiến trẻ lười ăn, hạn chế hấp thu dinh dưỡng; thiếu chất xơ khiến trẻ bị táo bón, chướng bụng, khó chịu dẫn tới chán ăn hoặc thiếu protein khiến trẻ chậm tăng cân,...

Thay đổi sinh lý hoặc có vấn đề về sức khỏe

Những thay đổi sinh lý như lật, bò, đi, mọc răng... đều có thể là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Ngoài ra nếu trẻ có vấn đề nào đó về sức khỏe như viêm miệng, sâu răng... cũng sẽ có cảm giác chán ăn vì cảm thấy mệt mỏi, đau đớn khi ăn.

Trẻ rối loạn chức năng tiêu hóa như loạn khuẩn đường ruột hay thiếu men tiêu hóa có thể dẫn đến đầy bụng khó tiêu và hấp thụ thức ăn kém. Trẻ chán ăn, không có cảm giác biếng ăn nên rất chậm lớn.

Trẻ nhiễm ký sinh trùng như giun, sáng hay bị viêm đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng, viêm phổi... thường ăn rất ít hoặc bỏ ăn vì luôn không có cảm giác đói bụng.

Thói quen hàng ngày của cha mẹ

Trẻ biếng ăn còn có thể do món ăn chế biến không hấp dẫn, không ngon miệng hoặc lặp lại quá nhiều một vài món ăn hay nguyên liệu nấu ăn. Số lượng thức ăn chưa hợp lý cũng dẫn đến tình trạng biếng ăn.

Ngoài ra rất nhiều cha mẹ thường cho trẻ ăn không cố định giờ giấc, cho trẻ ăn kẹo hay đồ ăn vặt trước bữa sẽ khiến trẻ không còn cảm giác đói bụng. Từ đó trẻ sẽ ăn ít hoặc không ăn khi đến bữa.

Cho trẻ xem tivi, xem sách hoặc chơi điện tử khi ăn khiến bé bị xao nhãng, không tập trung nên ăn lâu dẫn đến ngang bụng. Khi tập trung xem một thứ gì đó trẻ sẽ không muốn ăn dù chưa ăn được nhiều.

Do tâm lý

Mỗi khi trẻ biếng ăn, cha mẹ thường sốt ruột nên dễ đánh mắng, la hét hoặc ép buộc trẻ ăn hết định mức mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân. Đôi khi lượng thức ăn này là quá mức so với sức ăn của trẻ dẫn tới ngậm thức ăn, nôn ói hoặc có biểu hiện chống đối. Lâu dài sự sợ ăn sẽ dẫn tới chứng biếng ăn.

Việc đột ngột thay đổi môi trường như đi học hay trẻ phải xa bố mẹ, ông bà làm thay đổi nơi ăn, giờ ăn và người cho ăn sẽ khiến trẻ thay đổi tâm trạng, không muốn ăn.

CÁCH GIÚP TRẺ HẾT BIẾNG ĂN

1. Để trẻ cảm thấy đói bụng

Hãy chắc chắn rằng mỗi bữa chính của trẻ là bữa ăn mà trẻ thực sự mong chờ vì trẻ đang đói chứ không phải là trẻ bị ép ăn.

Muốn trẻ được đói đúng bữa thì mẹ cần sắp xếp thời gian giữa các bữa ăn một cách cố định. Ví dụ như khoảng cách giữa bữa chính và bữa phụ là 2-3 giờ đồng hồ, giữa các bữa ăn thì không nên cho trẻ ăn bất cứ đồ ăn nào ngoài việc uống nước lọc.

Một thói quen xấu của các bậc phụ huynh Việt là thấy con đòi ăn bánh kẹo hoặc đòi uống sữa là sẽ đáp ứng ngay, nhất là các ông các bà thường rất chiều cháu. Nhưng điều này hoàn toàn không tốt cho thể chất của trẻ vì cái mà cơ thể trẻ cần là những dinh dưỡng có trong bữa ăn chính. Việc cho ăn vặt sẽ khiến trẻ không cảm thấy đói khi đến bữa chính. Tốt nhất là cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn vặt một lần trong ngày và ăn ngay sau khi ăn xong bữa chính.

Ngoài ra nếu muốn trẻ ăn được nhiều hơn thì cha mẹ hãy rèn cho trẻ thói quen vận động nhiều. Khi cơ thể được tiêu hao nhiều năng lượng thì ắt hẳn chuyện ăn ngon miệng trong mỗi bữa cơm là điều đương nhiên.

2. Để trẻ ăn trong trạng thái thoải mái, ăn cùng với gia đình

Bố mẹ cần hiểu rằng, lượng ăn của con ít hơn nhiều so với của anh chị, bố mẹ trong gia đình. Do đó việc ép con ăn quá nhiều so với nhu cầu của con có thể khiến con chán ăn, thậm chí sợ ăn trong thời gian dài.

Và cũng như người lớn chúng ta, các bé có thể yêu/ghét một số loại thức ăn nhất định. Bố mẹ nên hiểu rõ sở thích, sở ghét của con để có thể đưa ra thực đơn phù hợp nhất với con. Đối với những món con không thích ăn, bố mẹ có thể giới thiệu từng chút một, và động viên khen ngợi con mỗi khi con ăn món con không thích. Nếu con nhất quyết không ăn, bố mẹ nên thay đổi món ăn đó bằng một món ăn tương tự. Chẳng hạn nếu con không thích ăn rau cải bắp, bố mẹ có thể thay bằng các loại rau khác như rau muống, rau cải ngọt hoặc súp lơ xanh…

Cho con ngồi ăn cùng gia đình cũng là một ý tưởng không tồi để khuyến khích con ăn uống tốt hơn. Bố mẹ, anh chị hãy làm một tấm gương tốt cho trẻ noi theo bằng cách ăn uống nghiêm túc, ăn đa dạng các nhóm thức ăn.

Bố mẹ nên đặc biệt tránh việc dùng đòn roi, quát mắng để ép bé ăn. Biện pháp này có thể mang đến hiệu quả tức thì trong thời gian đầu. Nhưng nếu để lâu dài, tâm lý của con dễ bị ảnh hưởng nặng nề, hình thành chứng biếng ăn do tâm lý vô cùng nghiêm trọng.

3. Chế biến đa dạng món ăn, trình bày hấp dẫn

Trẻ nhỏ rất dễ cảm thấy ngán nếu bạn cho bé ăn cùng một món hằng ngày, cho nên cách giúp trẻ hết biếng ăn hiệu quả nhất là bạn hãy đổi món cho con hằng ngày bằng những món ăn phù hợp cho trẻ nhỏ. Ví dụ như đối với bé ăn dặm thì mẹ có thể đổi giữa các món cháo: cháo tôm bí đỏ, cháo thịt bò khoai tây cà rốt, cháo thịt theo cải bó xôi,…Với những món ăn hấp dẫn được thay đổi liên tục thế này bé sẽ cảm thấy lạ, ngon miệng và thích thú với bữa ăn hằng ngày.

Mẹ cũng nên nhớ trẻ rất dễ bị hấp dẫn bởi những món ăn có sự bày trí đẹp mắt và mùi vị hấp dẫn. Chính vì vậy việc mẹ trang trí cho mỗi món ăn thật bắt mắt, chắc chắn đây sẽ là cách giúp trẻ hết biếng ăn hiệu quả.

Có rất nhiều công việc chế biến món ăn mà các bé nhỏ có thể phụ giúp như lặt rau, rửa rau, … Chính vì vậy mà bố mẹ nên cho con tham gia, khi đó bé sẽ hồi hộp để được thưởng thức hương vị món ăn mà có phần công sức của mình tạo nên. Từ đó kích thích cảm giác thèm ăn hơn.

4. Hãy kiên nhẫn và động viên trẻ

Thực hiện những cách giúp trẻ hết biếng ăn là điều không hề dễ dàng, bố mẹ phải thật kiên trì thực hiện hằng ngày để tập dần cho con những thói quen tích cực và ăn được nhiều hơn mỗi ngày, đừng nóng vội sẽ khiến cho bố mẹ và con thêm áp lực.

Hãy để trẻ cảm nhận rằng bố mẹ sẽ rất vui khi trẻ ăn hết thức ăn để chúng cảm thấy được khích lệ hơn. Thử đặt ra một phần thưởng nếu như bé ăn hết cũng là một cách khiến trẻ thích ăn hơn. Tuy nhiên bố mẹ cũng cần chú ý rằng đừng nên phụ thuộc quá nhiều vào phần thưởng vì như thế sẽ gây nên tính ỷ lại cho trẻ khiến chúng chỉ ăn khi được nhận quà.

5. Không cho trẻ ăn dong hay sao nhãng khi ăn

Bố mẹ hãy để con thực sự ăn, chứ không phải ăn thụ động trong khi đang xem TV, điện thoại, đồ chơi...Việc ăn thụ động về trước mắt đảm bảo con ăn nhanh, nhiều nhưng về lâu dài tác động cực kỳ xấu đến các hệ cơ quan, sức khỏe của con. Hơn nữa, việc lệ thuộc vào các món đồ tiêu khiển khiến con có thói quen ăn uống xấu, thường dễ sinh ra cáu gắt, ném đồ ăn, hoặc giằng xé quần áo….

Tuy nhiên bố mẹ cũng nên xác định rõ nguyên nhân của việc trẻ biếng ăn để tìm cách giải quyết phù hợp nhất. Chẳng hạn như nếu bé mọc răng thì chắc chắn rằng dù làm cách nào bé cũng sẽ lười ăn, vậy nên bố mẹ sẽ không thể nào ép bé được mà chỉ nên tìm cách phù hợp cũng như tìm bác sĩ tư vấn cách giải quyết hợp lý nhất.

Hy vọng rằng thông qua bài viết này, Hanin có thể giúp cho bố mẹ tìm ra cách để giúp con của mình sẽ hết biếng ăn và phát triển một cách tốt nhất.

Bài sau →