Miễn phí vận chuyển với đơn hàng trên 600.000 VNĐ

DẠY TRẺ HÒA ĐỒNG VỚI EM NHỎ TRONG NHÀ

DẠY TRẺ HÒA ĐỒNG VỚI EM NHỎ TRONG NHÀ

Gia đình là nơi ấm áp nhất, nơi đó có những người mà chúng ta sẵn lòng yêu thương vô điều kiện. Thế nhưng, trong trường hợp nhà có hai con nhỏ trở nên, không ít các bậc phụ huynh phải đau đầu khi chúng so bì, tị nạnh với nhau. Nếu xử sự và dạy bảo không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả như việc gia đình xảy ra xích mích, tình cảm trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng thậm chí có thể dẫn đến tình trạng xung đột với nhau.

Tuy nhiên các nhà khoa đã chứng minh rằng khi có thêm em, phản ứng đầu tiên của trẻ thường là ganh tị, ghét bỏ và khó chịu do con vẫn còn tập tính cố hữu bám dính lấy bố mẹ. Do đó, lúc này ứng xử của bố mẹ cần hết sức khéo léo để con hiểu rằng con vẫn được yêu thương và có thêm em rất vui là rất cần thiết đấy ạ.

Vậy hãy cùng Hanin đưa ra một vài lời khuyên giúp ba mẹ khắc phục điều đó nhé!

1️⃣ DẠY CON BIẾT YÊU THƯƠNG EM NGAY TỪ NHỮNG GIAI ĐOẠN ĐẦU:

Khi mẹ còn bầu bí

Mẹ hãy để bé làm quen với sự hiện diện của “đứa em”. Mẹ có thể kể chuyện cho bé lớn lẫn thai nhi trong bụng cùng một lúc. Vừa kể vừa kêu gọi con giao tiếp với em qua bụng mẹ.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể kể cho con nghe rằng trong bụng mẹ có một em bé dễ thương như con sắp chào đời. Mẹ yêu thương cả hai và khi em bé chào đời, em sẽ là bạn của con. Các mẹ hãy dẫn bé cùng đi siêu âm hoặc đi khám thai thậm chí cả việc đi mua đồ cho em bé sơ sinh. Những thao tác này giúp bé dễ hình dung được quá trình lớn lên của em và từ đó nảy sinh tình cảm gắn bó.

Khi mẹ sắp sinh

Trước khi sinh, mẹ hãy nói với bé thật chân thành và thẳng thắn về sự xuất hiện sắp tới của một em bé nữa trong nhà. Mẹ và bố hãy giúp bé hình dung những thay đổi có thể xảy đến khi em bé chào đời. Hãy nói rõ ràng em bé sẽ rất dễ thương, nhưng em bé còn nhỏ nên có thể “nhờ trước” với con rằng cùng bố mẹ chăm soc em khi em ra đời.

Khi mẹ sinh và ở cữ

Trong thời gian này tốt nhất là hãy để bố hoặc người thân chăm sóc bé. Tuy nhiên trước đó mẹ hãy làm công tác tư tưởng với cả nhà rằng không được trêu ghẹo bé lớn để con không tủi thân. Bản thân mẹ cũng nên chú ý tới bé, tuyệt đối không để con cảm thấy như mình bị bỏ rơi.

Khi có khách đến thăm bé sơ sinh, bố mẹ cần hết sức lưu ý để bé lớn cũng được quan tâm như bé nhỏ.

2️⃣ DẠY CON HÒA THUẬN TRONG QUÁ TRÌNH CẢ HAI ANH EM LỚN LÊN CÙNG NHAU

Trên cương vị đấng sinh thành, là người ở giữa, phụ huynh cần công bằng, không thiên vị bất cứ ai trong hai người con và đặc biệt đừng sử dụng biện pháp so sánh. Phụ huynh thiếu công bằng, các con càng ghét bỏ nhau nhiều hơn.

Hãy làm "tư tưởng" rõ ràng với con

Nếu bé lớn ganh tị với em mình, cha mẹ hãy nhẹ nhàng giải thích: "Trước đây, khi con còn nhỏ, ba mẹ cũng nâng niu, chiều chuộng con như em vậy. Khi con chưa biết đi, được ba mẹ ẵm bồng. Khi con chưa biết tự xúc ăn, được ba mẹ nhẹ nhàng đút từng muỗng cơm. Em bé bây giờ cũng chưa biết gì giống con 5 năm về trước vậy, vì thế chúng ta cần "hợp sức" lại mới giúp em lớn nhanh hơn. Khi em lớn bằng con, em cũng phải lau nhà, dọn bàn ăn, rửa chén... giống như con.

Ngược lại, trong trường hợp bé nhỏ ganh tị với anh/chị của mình ba mẹ cũng cần giải thích rõ. Có thể kể đến ví dụ cụ thể như khi nhà có hai người con, ba mẹ mua máy tính xách tay cho con trai lớn, trong khi con trai nhỏ chỉ được sử dụng chiếc máy tính để bàn đã cũ ở nhà: "Anh trai hơn con 4 tuổi, chương trình học nhiều và vất vả hơn nên cần có máy tính xách tay sẽ thuận lợi hơn khi di chuyển. Con mới học cấp 2, chương trình học đơn giản nên sử dụng máy tính để bàn ở nhà là điều phù hợp. Khi nào con lớn, đi học xa như anh hai chắc chắn ba mẹ sẽ mua cho con một chiếc máy tính giống như thế".

Ngoài ra, phụ huynh cũng lưu ý không nên làm tổn thương con, không nên đứng về một phía. Thường thì thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình sẽ được ưu tiên nhiều hơn, nhưng không có nghĩa là lấy sự ưu tiên của đứa trẻ còn lại, "bù" qua cho đứa trẻ nhỏ hơn đâu nhé. Chỉ cần ba mẹ tỏ rõ thái độ phân minh, trẻ ắt tự hiểu mình nên hay không nên làm gì.

Nhấn mạnh tình yêu của ba mẹ dành cho CẢ HAI

Điều quan trọng mà phụ huynh cần nhấn mạnh, đó là "Ba mẹ yêu tất cả các con", chứ không phải nạt nộ, giận dỗi theo kiểu "Con không ngoan, ba mẹ không yêu. Con không ngoan là ba mẹ yêu anh/chị (hoặc em) nhiều hơn đấy". Câu nói này như nhóm lên sự ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau. Ít nhiều gì bé sẽ nghĩ nếu không có anh/chị (hoặc em) của mình, chắc chắn ba mẹ sẽ thương mình nhiều hơn.

Nhiều gia đình sinh đôi hoặc sinh năm một, những đứa trẻ sàn sàn bằng tuổi nhau thì tình trạng... choảng nhau cũng xảy ra nhiều hơn. Khi các con đánh nhau, chơi không đẹp tốt nhất ba mẹ nên tách mỗi người một nơi, cho đến khi chúng tự nguyện làm lành với nhau. Trẻ con đang độ tuổi ham vui, chắc chắn không bé nào muốn mất đi bạn chơi của mình cả.

Hãy nhìn hành vi của trẻ một cách thiện chí

Có rất nhiều tình huống những gì người lớn nhìn thấy trẻ làm chưa chắc đã là những điều trẻ nghĩ. Vì thế nếu bố mẹ luôn ở trong tâm thế nhìn trẻ bằng cái nhìn thiện chí thì sẽ giải quyết được rất nhiều mâu thuẫn trong quá trình ứng xử với con.

Ví dụ như khi thấy anh đến xem em ngủ rồi làm em thức giấc thì bố mẹ hãy nói “À con đến xem em ngủ đúng không. Con yêu em lắm này. Nhưng mình vô tình làm em thức dậy rồi. Mình nói nhỏ thôi, nhẹ nhàng thôi nhé không em sẽ thức dậy đó”. Hoặc nếu anh muốn chơi bóng, hay làm ồn đến em thì thay vì cấm anh chơi, hãy rủ anh ra một chỗ khác “Con muốn chơi bóng đúng không. Thế mình ra ngoài này chơi nhé không em sẽ thức dậy”.

Nếu bố mẹ luôn nhìn con với cái nhìn thiện chí, dẫu có thể con đang trêu em, phá em đi nữa thì hãy luôn nói với con những điều tích cực để những điều đó đi vào tiềm thức của con, và giúp con thay đổi thái độ.

Đừng nói những câu sát thương lòng tự tin của trẻ và chia rẽ anh chị em

Trước mặt người khác bố mẹ và ông bà đừng bao giờ nói về những khuyết điểm của anh chị, càng không nên so sánh trẻ với em. Đừng nói những câu sát thương lòng tự trọng con trẻ như “Em thì ngoan thế mà sao con lại vậy”, “Thằng em ngoan bao nhiêu thì thằng anh khó bảo bấy nhiêu đấy bác ạ...”. “Em nó học giỏi như vậy nhưng anh thì lười lắm”. Những câu nói ấy đã vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, và sự so sánh sẽ chia rẽ anh chị em. Trẻ sẽ thấy trước mặt người khác bố mẹ không hề giữ thể diện cho mình, chứng tỏ bố mẹ không hề yêu thương mình, mà chỉ yêu thương em mà thôi.

Đằng sau mỗi lời nói tưởng chừng như vô tư của cha mẹ hay ông bà sẽ là những trải nghiệm tổn thương của con trẻ.

Khơi dậy tình cảm trong con

Nếu trẻ lớn thường được nhắc nhở phải nhường nhịn em nhỏ hơn mình, thì trẻ nhỏ sẽ cần giáo dục thế nào để công bằng với trẻ lớn. Chúng cần lễ phép và nghe lời hơn. Trong gia đình có một người anh/chị lúc luôn luôn nhường nhịn em nhỏ, và em nhỏ thì luôn luôn vâng lời anh/chị lớn hơn mình sẽ chẳng bao giờ có bất hòa xảy ra.

Thỉnh thoảng, cha mẹ hãy cho chúng cùng nhau xem những bộ phim tình cảm gia đình ý nghĩa, chúng sẽ học hỏi và biết nâng niu giá trị gia đình hơn. Cha mẹ hãy dạy con cách chăm sóc lẫn nhau, biết chia sẻ cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt là những lúc ốm đau, anh chị em càng phải quan tâm và chăm sóc nhau nhiều hơn. Mẹ nên khơi dậy tình cảm tốt đẹp luôn tiềm ẩn bên trong con. Mẹ nên biết rằng trẻ con luôn giàu tình thương, nhạy cảm và rất trong sáng. Vì vậy, với những lời nhẹ nhàng, không cần phải to tiếng, con sẽ cảm nhận được và sẵn sàng làm những điều tốt đẹp cho người khác.

Và trên hết, cha mẹ cũng là nên là tấm gương sáng cho con, khi sống trong một gia đình hạnh phúc, ấm áp, anh em sống hòa thuận, biết chia sẻ và giúp đỡ nhau, con cái cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn. Con cái rất giỏi bắt chước, nếu bố mẹ bố mẹ cư xử sao với mọi người xung quanh, trẻ con cũng thường bắt chước y như vậy.

← Bài trước Bài sau →