Miễn phí vận chuyển với đơn hàng trên 600.000 VNĐ

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ BIẾT LẮNG NGHE?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ BIẾT LẮNG NGHE?

Trong xã hội hiện nay, rất nhiều phụ huynh sẽ gặp phải những tình huống sau: khi nói chuyện với con, con rất thờ ơ, hoặc không có phản ứng gì. Gặp phải tình huống này, có phụ huynh sẽ tức giận, đánh mắng con, cũng có phụ huynh chọn cách thở dài và im lặng, bỏ dở cuộc trao đổi.

Trên thực tế, đây đều là những lựa chọn khá tồi tệ. Đánh mắng con chỉ khiến con bên ngoài thì tuân theo nhưng trong lòng thì không phục, dễ dẫn đến tâm lý chống đối, thậm chí gây ra những phản ứng tiêu cực ở con. Nếu chọn cách im lặng, con chúng ta sẽ không hiểu được những điều cha mẹ muốn truyền tải, như vậy mục đích giáo dục của chúng ta đã thất bại.

Vậy cùng Hanin đưa ra một vài gợi ý để bố mẹ có thể giúp các bé biết cách lắng nghe nhé!

1️⃣ ĐỪNG CHỈ RA LỆNH

Trẻ không phải là robot mà ngay từ rất nhỏ đã hình thành ý muốn được tự do. Đó là lý do chúng luôn không muốn phải nghe những câu ra lệnh và trong đầu hình thành câu hỏi ngược lại "tại sao phải làm theo?". Vì vậy thay vì nói với con "Hãy cất đồ chơi của con vào đúng chỗ", hay "Con hãy nhanh lên" thì các bậc phụ huynh nên nói với con một cách nhẹ nhàng, âu yếm "Sao chúng ta không nhanh lên nhỉ? Vì sắp muộn mất rồi!". Cùng một sự việc nhắc nhở con "đừng chạm vào thứ đó", thì chúng ta nói "nó rất dễ vỡ vì vậy con cẩn thận nhé!"

2️⃣ HÃY CHO BÉ SỰ LỰA CHỌN

Đứng trước một tình huống nào đó, các bậc cha mẹ thay vì cố gắng thuyết phục con làm theo lời mình thì tốt hơn là cho con một lựa chọn khác. Việc thuyết phục con chỉ khiến bé mè nheo thậm chí la hét. Nhưng nếu chúng được chọn lựa giữa hai việc "Nếu con không làm thì .... và nếu con làm thì ...", chúng sẽ suy nghĩ và tự đưa ra quyết định, cũng như không còn nuối tiếc hay băn khoăn về lựa chọn của chính mình.

3️⃣ HÃY CHO BÉ THẤY SỰ KỲ VỌNG CỦA BA MẸ

Trước mỗi việc giao cho trẻ, cha mẹ nên cho chúng biết mình kì vọng vào việc con làm tốt như thế nào. Ngồi xuống và nói một cách đơn giản cho con hiểu nếu con làm điều đó mẹ sẽ vui ra sao là một cách hữu hiệu hơn là bực bội khi trẻ không làm. Khi ấy, trẻ sẽ thấy điều mình làm cũng rất quan trọng, nên chúng sẽ có ý thức hơn để thực hiện. Và đừng quên nói “Cảm ơn vì con đã lắng nghe” để khen ngợi và tạo thêm sự nỗ lực của con. Lần đầu con biết làm theo lời chỉ dẫn của bố mẹ, hãy thể hiện rằng điều đó rất đặc biệt.

4️⃣ ĐƯA RA LỜI CHỈ DẠY PHÙ HỢP

Bố mẹ nên tập thói quen đưa ra những chỉ dẫn đơn giản cho trẻ kết hợp với giao tiếp bằng ánh mắt. Ví dụ như “Con vào phòng tắm và rửa tay nhé! Sau đó lấy ba lô và đi xuống cầu thang với mẹ.”

Hãy nhớ sử dụng ngôn ngữ phù hợp với từng lứa tuổi. Một đứa trẻ 2 tuổi có khả năng chỉ làm được theo chỉ dẫn có tối đa hai hành động mà thôi. Ví dụ: “Lấy ba lô và đi xuống cầu thang với mẹ.” Trẻ 3 tuổi hoặc 4 tuổi có thể nhớ nhiều việc hơn một chút.

Khi trẻ biết lắng nghe tốt hơn, bố mẹ có thể thêm một hay hai công việc vào. Bằng cách này, bố mẹ không chỉ dạy con biết lắng nghe mà còn biết tự lập nữa.

5️⃣ CHỌN THỜI GIAN THÍCH HỢP

Các nhà tâm lý học cho rằng, chỉ khi tâm lý tốt con người mới có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin tích cực từ bên ngoài. Vì vậy, khi muốn nói chuyện với con phụ huynh cần phải tìm cơ hội phù hợp. Nếu trao đổi với con vào lúc chúng đang vui vẻ thoải mái, hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn nhiều. Muốn cuộc trao đổi có hiệu quả, cha mẹ cần phải tránh những điều sau đây:

  • Dạy con trước mắt người khác, đặc biệt là trước mặt bạn của con.
  • Dạy con khi tâm trạng con không tốt. 
  • So sánh con với người khác.
  • Dạy con khi đang ăn cơm.
  • Dạy con khi con đang chăm chú làm một việc gì đó.

6️⃣ BỐ MẸ HÃY LÀ NGƯỜI BIẾT LẮNG NGHE

Nếu bố mẹ muốn con lắng nghe mình, hãy thể hiện cho trẻ thấy bố mẹ cũng lắng nghe con. Trẻ sẽ đáp trả sự tôn trọng mà mình nhận được từ bố mẹ, và những đứa trẻ được lắng nghe thường cũng sẽ trở thành những người biết lắng nghe.

Đừng ngắt lời khi trẻ đang kể chuyện gì đó. Hãy dành cho bé sự chú ý hoàn toàn khi bé đang nói – không đọc báo hay nói chuyện với người khác cùng lúc.

← Bài trước